Như các bạn đã biết, Bạch biến gần như được coi là bệnh mãn tính và rất khó điều trị. Chính vì thế, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các bác sĩ Pema. Hôm nay, Pema sẽ tổng hợp 15 câu hỏi thường gặp nhất về bệnh bạch biến để chúng ta cùng hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
1. Bệnh bạch biến có tự khỏi không?
Có một số ít bệnh nhân có thể tự khỏi và trên tổn thương bạch biến có thể xuất hiện một vài đốm đen.
2. Thuốc bôi bạch biến bao lâu thì có tác dụng?
Thông thường, sau 1-3 tháng các bạn đã thấy bệnh bạch biến có dấu hiệu phục hồi. Các bạn không nên nóng vội nhé!
3. Thuốc bôi và uống Meladinine có tác dụng tốt không?
Thực tế, thuốc bôi và uống Meladinine trong quá khứ được sử dụng khá nhiều trong điều trị bệnh bạch biến và cho kết quả khá tốt. Nhưng hiện tại, chúng ta đã có những thuốc bôi và uống có thể kiểm soát bạch biến tốt hơn và an toàn hơn.
Như các bạn đã biết, khi bôi Meladinine có thể dẫn đến nguy cơ bị bỏng nắng, từ đó nguy cơ ung thư da cũng tăng lên khá nhiều lần. Đặc biệt, khi uống Meladinine bạn cần phải bảo vệ mắt rất kĩ. Bởi vì, nguy cơ bị đục thủy tinh thể sau khi uống Meladinine tăng lên khá là cao.
Chính vì vậy, khi sử dụng những thuốc này các bạn cần phải hết sức lưu ý và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ!
4. Có nên dùng thuốc bôi Corticoid?
Thuốc bôi Corticoid là một trong những liệu pháp đầu tay để kiểm soát bệnh bạch biến. Một số khuyến cáo của các hội da liễu trên thế giới và Việt Nam đều ưu tiên sử dụng Corticoid để kiểm soát bạch biến một cách tốt nhất.
Pema muốn khuyến cáo các bạn, có một số chế phẩm và một số nhà thuốc trộn Corticoid vào trong sản phẩm thuốc bôi của mình nhưng lấy danh nghĩa là thảo dược để đánh lừa bệnh nhân. Nhưng thực tế không phải như vậy!
Các bạn hết sức lưu ý khi sử dụng Corticoid phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ cho hiệu quả điều trị rất cao và hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc.
Xem thêm: Những lưu ý khi chăm sóc da bạch biến bạn cần biết
5. Tại sao thuốc Tacrolimus lại được dùng cho bệnh bạch biến?
Một loại thuốc sẽ có rất nhiều chỉ định. Tacrolimus là loại thuốc có tác dụng rất tốt, tương đương hoặc thậm chí hơn Corticoid trong kiểm soát bạch biến. Đặc biệt là bạch biến ở trẻ em và bạch biến vùng mặt.
Thuốc này có thể gây kích ứng trong thời gian đầu. Giải pháp là trong 1-2 tuần đầu các bạn nên bôi cách 1-2 ngày. Sau khi da đã đáp ứng thì có thể bôi hàng ngày. Sau khi bệnh đã được kiểm soát các bạn vẫn nên tiếp tục bôi để hạn chế bệnh tái phát.
6. Tacrolimus chọn nồng độ nào? Trước hay sau chiếu tia?
Tacrolimus có hai nồng độ là 0,03% và 0,1%. Nồng độ 0,03% dành cho trẻ em từ 2-16 tuổi và 0,1% dành cho những người trên 16 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ muốn kiểm soát bệnh bạch biến nhanh hơn, tốt hơn thì hoàn toàn có thể sử dụng Tacrolimus 0,1% cho trẻ 2-16 tuổi.
Khi dùng thuốc này, các bạn không cần quan tâm sử dụng trước chiếu hay sau chiếu. Nhưng nếu trong quá trình chiếu các bạn bị bỏng thì nên dừng thuốc bôi này một thời gian cho đến khi hết bỏng mới nên bôi lại thuốc Tacrolimus.
Xem thêm: Những điều bố mẹ cần lưu ý khi chăm sóc da bạch biến cho trẻ em
7. Tacrolimus có chống chỉ định khi chiếu tia hoặc ra ngoài nắng?
Trong hướng dẫn kê toa của thuốc Tacrolimus có ghi khi dùng thuốc này các bạn nên tránh nắng để hạn chế tác dụng phụ với những bệnh lý khác. Còn riêng bệnh bạch biến, chúng ta nên sử dụng Tacrolimus đường uống và chiếu tia để tăng cường hiệu quả của phương pháp lên. Trên thực tế, bác sĩ của Pema đã sử dụng kết hợp hai phương pháp này trên rất nhiều bệnh nhân và cho kết quả khá là tốt.
Một thông tin rất vui cho các bạn bạch biến đó là: tỉ lệ ung thư da hắc tố và không hắc tố của bệnh nhân bạch biến thấp hơn nhiều so với quần thể thông thường. Chính vì vậy, khi chiếu tia, giả sử nguy cơ ung thư da có tăng lên một chút thì cũng không đáng kể so với quần thể thông thường nên các bạn hoàn toàn yên tâm!
8. Có phải bác sĩ thường kê thuốc bổ cho bệnh nhân bạch biến?
Thực tế, trong phác đồ điều trị bệnh bạch biến là phương pháp uống thuốc chống oxy hóa như: Vitamin A, C, E, Glutathione để tăng cường hiệu quả của các phương pháp khác lên.
9. Thuốc bôi Vitix, Vitiskin có tác dụng với bệnh bạch biến không?
Hai thuốc bôi này có tác dụng chống oxy hóa. Chính vì thế, nó có tác dụng trong điều trị bệnh bạch biến. Tuy nhiên, khi sử dụng một mình hai thuốc này thì hiệu quả khá thấp. Bạn nên kết hợp với thuốc bôi và ánh sáng trị liệu để tăng cường hiệu quả của hai thuốc này.
10. Ghép tế bào tự thân có khỏi không? Có giúp chống lan không?
Ghép tế bào thượng bì tự thân là một phương pháp rất mới trong điều trị bạch biến ở Việt Nam và giúp kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong trường hợp bạch biến khá là khu trú và bạch biến khi đã ổn định.
Phương pháp này không giúp chống lan. Nó chỉ có tác dụng phục hồi sắc tố da ở những vùng bị bạch biến. Và phương pháp này có thực sự chữa khỏi được bệnh bạch biến hay không? Thì Pema xin trả lời rằng, trên thế giới hiện nay, chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bạch biến.
Nhưng với ghép tế bào thượng bị tự thân chúng ta có thể kiểm soát rất tốt bạch biến và có tác dụng rất là lâu dài. Theo nghiên cứu, thì tỉ lệ tái phát sau khi sử dụng phương pháp này chỉ là dưới 10%.
Hiện nay, phương pháp này chỉ được thực hiện duy nhất tại bệnh viện da liễu Trung ương do ThS. BS Hoàng Văn Tâm – Phó trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày đảm nhiệm.
11. Có sử dụng được ngay phương pháp này hay không? Điều kiện và chi phí?
Các bạn sẽ không thể sử dụng ngay phương pháp ghép tế bào tự thân để kiểm soát bạch biến mà cần có những điều kiện nhất định.
Đầu tiên, bạch biến phải ổn định ít nhất trong vòng một năm, và trong vòng một năm đó không có bất kì tổn thương bạch biến mới nào.
Ngoài ra, bạn không có sẹo lồi hay tiền sử bị sẹo lồi quá lớn nào. Vì khi đó, nguy cơ bạn bị sẹo lồi khi thực hiện phương pháp này sẽ tăng lên
Ở nước ngoài, chi phí cho phương pháp này khá cao (200 – 300 triệu). Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí khá thấp. Chỉ 25 – 35 triệu và thường các bạn chỉ phải ghép 1 lần. Một số trường hợp các bạn phải ghép 2,3 lần tùy vào tình trạng bệnh.
12. Có cần lên lịch ghép tế bào trước không?
Để các bác sĩ có thời gian chuẩn bị và tiện lợi nhất cho bệnh nhân thì các bạn nên hẹn lịch ghép trước. Và thông thường các bạn chỉ cần mất một buổi sáng để thực hiện thành công phương pháp này.
13. Cần lưu ý gì sau khi ghép?
Quan trọng nhất các bạn cần lưu ý đó là giữ cho vùng da mới ghép được khô ráo. Vì nếu nước vào thì dẫn đến nguy cơ trôi tế bào, bội nhiễm là rất lớn.
Thứ hai, bạn nên giữ miếng ghép cố định, đặc biệt trong 3 ngày đầu.
14. Có thể ghép lần 2, lần 3 được không?
Trên thực tế, ghép tế bào tự thân có hiệu quả rất cao, lên tới 90%. Tuy nhiên, với những bệnh nhân không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần chúng ta hoàn toàn có thể ghép lần 2, lần 3 để tăng cường hiệu quả.
15. Bệnh bạch biến có xăm được không?
Xăm màu cũng là một phương pháp điều trị bệnh bạch biến. Nhưng các bạn lưu ý không nên xăm thường quy và nên cân nhắc trước khi lựa chọn phương pháp này vì nó cũng có một vài tác dụng phụ như: nhiễm khuẩn, không đều màu.
Các bạn cũng chỉ nên áp dụng phương pháp này khi bạch biến đã ổn định và trong vòng 1 năm không xuất hiện bạch biến mới. Vì hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bạch biến hiệu quả nên Pema không khuyến khích các bạn sử dụng phương pháp này.